HOTLINE
Nội dung bài học
Hệ điều hành (Operating System) là hệ thống phần mềm tạo ra một “môi trường bao quanh” các thiết bị phần cứng cho phép các Phần mềm ứng dụng hoặc người sử dụng có thể dễ dàng tương tác, điều khiển các thiết bị phần cứng này. Như vậy, hầu như mọi thao tác của người sử dụng trên các thiết bị phần cứng đều thông qua Hệ điều hành. Hay nói cách khác, Hệ điều hành có vai trò như một “tầng” trung gian giữa con người với các thiết bị phần cứng (Quản lý tài nguyên, cung cấp giao diện người dùng và chạy các ứng dụng).
Hệ điều hành nếu theo góc nhìn về thể loại phần cứng sử dụng sẽ được chia thành: Hệ điều hành cho máy tính lớn (Mainframe), hệ điều hành cho máy chủ (Server), hệ điều hành cho máy tính cá nhân, hệ điều hành cho SmartPhone, Hệ điều hành cho các máy chuyên biệt…
Hệ điều hành nếu theo góc nhìn của người sử dụng thì có thể được chia thành: Hệ điều hành đơn nhiệm một người dùng (các chương trình được thực hiện tuần tự), hệ điều hành đa nhiệm một người dùng (nhiều chương trình có thể được thực hiện đồng thời), hệ điều hành đa nhiệm nhiều người dùng (có thể quản lý được nhiều người dùng trên cùng một máy).
Hệ điều hành Windows là một bộ chương trình do hãng Microsoft sản xuất. Từ version 3.0, Microsoft đã không ngừng cải tiến làm cho môi trường Windows ngày càng được hoàn thiện, tập hợp các chương trình điều khiển máy tính thực hiện các chức năng chính như:
Điều khiển phần cứng của máy tính. Ví dụ, nó nhận thông tin nhập từ bàn phím và gửi thông tin xuất ra màn hình hoặc máy in.
Làm nền cho các chương trình ứng dụng khác chạy. Ví dụ như các chương trình xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh…
Quản lý việc lưu trữ thông tin trên các ổ đĩa.
Cung cấp khả năng kết nối và trao đổi thông tin giữa các máy tính.
Windows có giao diện đồ họa (GUI – Graphical User Interface). Nó dùng các phần tử đồ họa như biểu tượng (Icon), trình đơn (Menu) và hộp thoại (Dialog) chứa các lệnh cần thực hiện.
2.1.1. Khởi động và thoát khỏi Windows
2.1.1.1. Khởi động Windows
Windows được tự động khởi động sau khi bật máy. Sẽ có thông báo yêu cầu nhập vào tài khoản (Username) và mật khẩu (Password) của người dùng. Thao tác này gọi là đăng nhập (logging on).
Hình 2.24. Màn hình đăng nhập Windows 10
Có thể thiết lập nhiều tài khoản trên cùng một máy tính, mỗi người sử dụng sẽ có một tập hợp thông tin về các lựa chọn tự thiết lập cho mình (như dáng vẻ màn hình, các chương trình tự động chạy khi khởi động máy, tài nguyên/ chương trình được phép sử dụng, v.v…).
2.1.1.2. Thoát khỏi Windows
Khi muốn thoát khỏi Windows, chúng ta phải đóng tất cả các cửa sổ đang mở.
Nhấp chuột nút biểu tượng Windows góc dưới bên trái, hoặc nhấn tổ hợp phím Alt + F4, hoặc Ctrl + Esc và nhấp chuột chọn mục Power -> Shut down.
Hình 2.2. Màn hình Shut down
Chú ý: Trước khi thoát khỏi Windows để tắt máy tính, người dùng nên đóng các ứng dụng đang chạy sau đó thoát khỏi Windows. Nếu không làm những thao tác đóng ứng dụng mà tắt máy tính ngay thì có thể một phần dữ liệu trong các tập tin đang mở bị mất và hệ điều hành Windows phải chỉnh sửa các tập tin này trong lần khởi động máy tính tiếp theo.
2.1.2. Desktop
Hình 2.3. Giao diện Desktop
Windows tạo giao diện làm việc như một mặt bàn. Người dùng chỉ có thể di chuyển, tạo, xóa và thực hiện các thao tác trong phạm vi hiển thị của màn hình nền Desktop.
2.1.3. Thanh tác vụ Taskbar
Taskbar còn gọi là thanh tác vụ chứa các biểu tượng của các chương trình đang chạy, hoặc các biểu tượng được cài đặt mặc định xuất hiện ngay cả khi không chạy chương trình. Taskbar có vị trí nằm ở phía dưới màn hình (có thể di chuyển), có dạng thanh ngang, đầu tiên luôn là nút Start hình logo Windows.
Hình 2.4. Thanh Taskbar
Được chia làm 2 phần rõ rệt. Bên trái có nút Start và những icon ứng dụng thường sử dụng để tắt máy hay là khởi động lại trong quá trình sử dụng máy tính. Bên phải System Tray là nơi những ứng dụng chạy song song với hệ thống Windows.
Người dùng có thể đưa các biểu tượng mới ghim vào thanh Taskbar hoặc có thể di chuyển thanh Taskbar sang các vị trí mới như phía trên, bên trái hoặc phải.
2.1.4. Menu Start
Menu Start là một thành phầngiao diện người dùngtrongMicrosoft Windowskể từWindows 95và trong một sốhệ điều hànhkhác. Nó cung cấp một điểm khởi động trung tâm cho các chương trình máy tính và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Hình 2.5. Giao diện Menu Start
2.1.5. Khởi động và thoát khỏi một ứng dụng
2.1.5.1. Khởi động một ứng dụng
Cách 1: Khởi động thông qua Menu Start
Hình 2.6. Các ứng dụng trong Menu Start
Cách 2: Nhấp đúp chuột vào biểu tượng chương trình trên màn hình nền Desktop
Hình 2.7. Biểu tượng Word 2019
2.1.5.2. Thoát khỏi một ứng dụng
Cách 1: Sử dụng nút đóng trên cửa sổ ứng dụng
Hình 2.8. Các nút thao tác: đóng, đóng, thu nhỏ
Cách 2: Sử dụng menu lệnh (tùy theo vào ứng dụng cần đóng) thông thường là File / Close hoặc tổ hợp phím tắt Alt + F4
2.1.6. Chuyển đổi giữa các cửa sổ ứng dụng
Windows cho phép người dùng chạy nhiều ứng dụng và mở nhiều cửa sổ thư mục cùng lúc. Để chuyển đổi qua lại giữa chúng, chúng ta cần sử dụng tổ hợp phím <Alt>-<Tab> hoặc nhấp chuột lên các nút tương ứng trên thanh tác vụ.
Tuy nhiên, thao tác này chỉ thuận tiện khi số lượng cửa sổ đang mở ít, còn đối với trường hợp có quá nhiều cửa sổ của cùng một ứng dụng thì mọi thứ sẽ phức tạp hơn. Windows tự động gom các nút trên thanh tác vụ của chúng lại: người dùng sẽ phải nhấp chuột, đọc một trình đơn dạng pop-up và sau đó chọn cửa sổ cần sử dụng.
Hình 2.9. Thao tác chuyển đổi giữa các cửa sổ ứng dụng
Hoặc nếu có nhiều tài liệu được mở trong một ứng dụng, trước hết người dùng phải chuyển sang ứng dụng đó (thông qua chuột hoặc bàn phím), rồi sau đó chọn tài liệu cần xử lý.
2.1.7. Thu nhỏ một cửa sổ, đóng cửa sổ một ứng dụng
Sử dụng các nút thay đổi kích thước cửa sổ trên thanh trạng thái của ứng dụng (thông thường nằm trên cùng góc phải của cửa sổ) để thay đổi kích thước hoặc đóng cửa sổ của ứng dụng.
Hình 2.10. Các nút thao tác: đóng, thu nhỏ, ẩn trên cửa sổ ứng dụng
2.1.8. Sử dụng chuột
Chuột dùng điều khiển con trỏ chuột tương tác với những đối tượng trên màn hình. Chuột thường có 3 nút:
– Nút trái (Left Button): Nằm phía bên trái khi cầm chuột, đây là nút chính được sử dụng khi thực hiện một thao tác chọn hay thực hiện một lệnh nào đó.
– Nút phải (Right Button): Nằm phía bên phải khi cầm chuột, thường có tác dụng để mở một trình đơn (Menu) lệnh, và các lệnh này sẽ thay đổi tùy vào vị trí con trỏ hoặc chương trình.
– Nút cuộn (Scroll Button): Thường nằm ở giữa nút trái và nút phải, có tác dụng cuộn màn hình lên/xuống, trong một số chương trình xử lý ảnh nút này có tác dụng phóng to/thu nhỏ (Zoom). Nút cuộn khi nhấn xuống còn có thêm một chức năng nữa và chức năng này cũng tùy theo chương trình quy định.
Các hành động mà chuột thực hiện:
– Trỏ đến đối tượng: rà chuột trên mặt bàn để di chuyển chuột trên màn hình trỏ đến đối tượng cần xử lý.
– Nhấp chuột (Single-Click): Dùng để chọn một đối tượng, bằng cách trỏ đến đối tượng, nhấn nhanh và thả nút trái chuột.
– Rê hoặc kéo (Drag): Dùng để di chuyển đối tượng hoặc quét chọn nhiều đối tượng,… bằng cách trỏ đến đối tượng nhấn và giữ nút trái chuột di chuyển chuột để dời con trỏ chuột đến vị trí khác sau đó thả nút trái chuột (Drop).
– Nhấp phải chuột (Right-Click): Dùng để hiển thị một menu công việc liên quan đến mục được chọn, bằng cách trỏ đến đối tượng, nhấn nhanh và thả nút phải chuột.
– Nhấp đúp chuột (Double-Click): Dùng để kích hoạt chương trình được hiển thị dưới dạng một biểu tượng trên màn hình, bằng cách trỏ đến đối tượng, nhấp nhanh và thả nút trái chuột 2 lần.
Tham gia đoạn hội thoại