Nội dung khóa học
Hiểu biết về công nghệ thông tin cơ bản
Học xong chương này, người học có khả năng: -Trình bày được một số kiến thức cơ bản về máy tính, phần mềm, biểu diễn thông tin trong máy tính; -Nhận biết được các thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng.
0/6
Sử dụng máy tính cơ bản
Học xong chương này, người học có khả năng: -Trình bày sơ lược được một số kiến thức cơ bản về hệ điều hành Windows, phần mềm tiện ích, tiếng Việt trong máy tính, máy in; -Khởi động, tắt được máy tính, máy in theo đúng quy trình. Tạo và xóa được thư mục, tập tin; sử dụng được một số phần mềm tiện ích thông dụng.
0/8
Sử dụng bảng tính cơ bản
Học xong chương này, người học có khả năng: -Trình bày được một số kiến thức cơ bản về bảng tính, trang tính; về sử dụng phần mềm Microsoft Excel 2019; -Sử dụng được phần mềm xử lý bảng tính Microsoft Excel 2019 để tạo bảng tính, trang tính; nhập và định dạng dữ liệu; sử dụng các biểu thức toán học, các hàm cơ bản để tính toán các bài toán thực tế.
Sử dụng trình chiếu cơ bản
0/1
Sử dụng Internet cơ bản
Hướng dẫn học môn Tin học trình độ đào tạo Trung cấp
Nội dung bài học

Phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định. Phần dưới đây sẽ trình bày một số loại phần mềm phổ biến hiện nay, gồm có:

1.2.1. Phần mềm hệ thống

Là một tập hợp các phần mềm chuyên dụng cho phép các phần mềm khác (như Microsoft Word, Microsoft Excel, Microsoft Powerpoint…) hoặc người sử dụng có thể dễ dàng tương tác và điều khiển các thiết bị phần cứng máy tính (Có thể hiểu phần mềm hệ thống như một tầng trung gian giữa người sử dụng, phần mềm ứng dụng và phần cứng máy tính). Phần mềm hệ thống lại có thể chia làm nhiều loại khác nhau:

– Hệ điều hành (Operating System): Là hệ thống phần mềm tạo ra một “môi trường bao quanh” các thiết bị phần cứng cho phép các Phần mềm ứng dụng hoặc người sử dụng có thể dễ dàng tương tác, điều khiển các thiết bị phần cứng này. Như vậy, hầu như mọi thao tác của người sử dụng trên các thiết bị phần cứng đều thông qua Hệ điều hành. Hay nói cách khác, Hệ điều hành có vai trò như một “tầng” trung gian giữa con người với các thiết bị phần cứng (Quản lý tài nguyên, cung cấp giao diện người dùng và chạy các ứng dụng).

– Phần mềm tiện ích (Utilities): Là các phần mềm được thiết kế hỗ trợ cho việc phân tích, cấu hình, tối ưu hoặc bảo trì cho một hệ thống máy tính (Các chương trình quét virus, nén đĩa, nén tập tin, backup dữ liệu, chia ổ đĩa, mã hoá và giải mã dữ liệu, theo dõi mạng, chống phân mảnh ổ đĩa…).

– Phần mềm điều khiển (Drivers): Là các phần mềm được thiết kế đặc biệt, chạy thường trú cùng với hệ điều hành trong bộ nhớ nhằm làm cầu nối điều khiển giữa các thiết bị phần cứng cắm thêm vào hệ thống máy tính và hệ điều hành giúp cho các thiết bị phần cứng này có thể tương tác dễ dàng với phần còn lại của hệ thống máy tính.

– Các bộ chuyển đổi ngôn ngữ (Language translators): Dùng để chuyển đổi các câu lệnh được viết bằng một ngôn ngữ lập trình nào đó (C, C++, Java…) sang ngôn ngữ mà máy tính có thể hiểu và xử lý được (ngôn ngữ máy).

1.2.2. Phần mềm ứng dụng

Là các chương trình máy tính được thiết kế cho những người sử dụng đầu cuối (end user) nhằm thoả mãn những nhu cầu hoặc công việc thường ngày của họ. Phần mềm ứng dụng có thể chia thành ba loại:

Phần mềm ứng dụng cơ sở (Basic Applications): Là những phần mềm thông dụng được sử dụng trong hầu hết các ngành, lĩnh vực khác nhau như: các web browse, phần mềm xử lý văn bản, phần mềm thuyết trình, phần mềm bảng tính, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu…

Phần mềm ứng dụng chuyên biệt (Specialized Applications): Là những phần mềm chuyên dụng được sử dụng cho một hoặc một số lĩnh vực cụ thể (Các phần mềm xử lý đồ hoạ, CAD, CAM, ORCAD, MATLAB,…).

Phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động: Những phần mềm thiết kế để có thể hoạt động trên các thiết bị Smartphone.

1.2.3. Một số phần mềm ứng dụng thông dụng

Một số phần mềm ứng dụng thông dụng hiện nay như: Phần mềm xử lý văn bản, bảng tính, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, trình chiếu, thư điện tử, trình duyệt Web và một số phần mềm khác. Trong đó:

Phần mềm xử lý văn bản: Là một loại phần mềm được thiết kế để soạn thảo các văn bản điện tử. Có rất nhiều chương trình soạn thảo văn bản khác nhau. Về các phần mềm thương mại, phổ biến nhất là Microsoft Office của Microsoft. Các chương trình soạn thảo văn bản thuộc loại phần mềm nguồn mở thường gặp bao gồm: Writer (trong bộ OpenOffice), KWord (trong môi trường KDE) và AbiWord (trong môi trường GNOME).Ngoài ra, còn có chương trình soạn thảo văn bản trực tuyến như Google Docs.

Phần mềm bảng tính: Là một phần mềm ứng dụng dùng để tổ chức, phân tích và lưu trữ dữ liệu thông qua các bảng biểu. Bảng tính được phát triển như là mô phỏng bằng máy tính các bảng tính toán trên giấy. Phần mềm ứng dụng bảng tính phổ biến hiện nay là Microsoft Excel của Microsoft, một số phần mềm nguồn mở như LibreOffice Calc, OpenOffice Calc. Ngoài ra, một số bảng tính dựa trên nền Web như: Google Sheet, Microsoft Excel Online, EditGrid.

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu (Database Management System – DBMS): Là phần mềm hay hệ thống được thiết kế để quản trị một cơ sở dữ liệu. Các chương trình này hỗ trợ khả năng lưu trữ, sửa chữa, xóa, và tìm kiếm thông tin trong một cơ sở dữ liệu (CSDL). Các hệ quản trị CSDL phổ biến được nhiều người biết đến như: MySQL, Oracle, PostgreSQL, SQL Server, DB2.

Phần mềm trình chiếu: Được sử dụng để tạo các bài thuyết trình đồ họa, được gọi là slideshow, có thể được chiếu lớn bằng phương tiện như máy chiếu hoặc hiển thị trên Web. Phần mềm trình chiếu cũng được sử dụng để tạo ra các tài liệu phân phát cho khán giả, những ghi chú cho người thuyết trình và các tài liệu khác có thể được sử dụng trong một bài thuyết trình. Microsoft PowerPoint, Lotus Freelance Graphics và Corel Presentations là những ví dụ của các chương trình phần mềm trình chiếu. Một số phần mềm trình chiếu mã nguồn mở như: LibreOffice Impress, OpenOffice Impress.

Phần mềm thư điện tử: Là loại phần mềm nhằm hỗ trợ cho người dùng việc chuyển và nhận các mẫu thông tin (thường là dạng chữ). Phần mềm thư điện tử hỗ trợ soạn thảo, gửi, nhận, đọc, in, xóa hay lưu giữ các thư. Phần mềm thư điện tử loại cài đặt trên máy tính người dùng phổ biến hiện nay là Microsoft Outlook, phần mềm thư điện tử chạy trên nền Web như Google Mail (Gmail).

Trình duyệt Web: Là một phần mềm ứng dụng cho phép người sử dụng xem và tương tác với các văn bản, hình ảnh, đoạn phim, nhạc, trò chơi và các thông tin khác ở trên một trang web của một địa chỉ Web trên mạng toàn cầu hoặc mạng nội bộ. Một số trình duyệt Web phổ biến hiện nay như: Google Chrome, Mozilla Firefox, Microsoft Edge, Opera, Cốc Cốc.

1.2.4. Phần mềm nguồn mở

Phần mềm nguồn mở là phần mềm với mã nguồn được công bố và sử dụng một giấy phép nguồn mở. Giấy phép này cho phép bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu, thay đổi và cải tiến phần mềm cũng như phân phối phần mềm ở dạng chưa thay đổi hoặc đã thay đổi.

Không giống như phần mềm nguồn mở, phần mềm thương mại là phần mềm thuộc bản quyền của tác giả hoặc các hãng phần mềm, người dùng phải mua và không có quyền bán lại. Hệ điều hành Microsoft Windows, Microsoft Office, hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle là các ví dụ điển hình về phần mềm thương mại.

Tham gia đoạn hội thoại